Nhôm đúc và sắt mỹ thuật là hai chất liệu rất được ưa chuộng trong các công trình nhà ở hiện nay, đặc biệt là trong Kiến trúc Tân cổ điển. Nhôm đúc và sắt mỹ thuật được sử dụng trong hệ thống cổng rào, lancan ban công hay cầu thang trong nhà, mang đến vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp cho công trình.
Đặc biệt, với công nghệ tiên tiến như hiện nay, các mẫu nhôm đúc, sắt mỹ thuật ngày càng được cải tiến về chất lượng và thẩm mỹ, đem lại nhiều sự lựa chọn cho gia chủ nhà.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được chính xác chất liệu nhôm đúc và sắt mỹ thuật, cũng như băn khoăn không biết nên lựa chọn chất liệu nào để phù hợp với ngôi biệt thự của mình.
Trong bài viết dưới đây, Apollo Việt sẽ chia sẻ đến quý vị cách phân biệt nhôm đúc và sắt mỹ thuật và cách lựa chọn hai chất liệu này nhé.
1. Sự khác nhau giữa nhôm đúc và sắt mỹ thuật
Sắt mỹ thuật đã xuất hiện từ hàng trăm năm về trước, được biết đến phổ biến với các bộ phận của ngôi nhà như cổng sắt mỹ thuật 4 cánh, cầu thang, lan can sắt mỹ thuật,...
Sắt mỹ thuật trong tiếng Anh được gọi là Wrought Iron Art, được sử dụng rộng khắp trong các Kiến trúc cổ điển, các lâu đài và các biệt thự cổ điển châu Âu.
Ngoại trừ một số Biệt thự tại nước ta ưa chuộng sự hoành tráng và không gỉ sét của nhôm đúc ra thì không quốc gia nào dùng nhôm đúc cho các công trình mang kiến trúc cổ điển châu Âu. Sau đây là một số điểm khác nhau của nhôm đúc và sắt mỹ thuật:
1.1. Chất liệu làm nên nhôm đúc và sắt mỹ thuật
Đúng như tên gọi của nó, nhôm đúc được tạo thành từ nguyên liệu là nhôm hợp kim với đặc tính vật lý là rất nhẹ, độ bền cao và gần như không bị oxy hóa.
Tất nhiên, hợp kim nhôm có tốt hay không còn phụ thuộc vào tỷ lệ tạp chất có trong nó. Vậy nên, chủ nhà cần phải lựa chọn đơn vị uy tín để chắc sản phẩm được làm từ nguồn vật liệu sạch thì sẽ bền đẹp hơn.
Cổng sắt mỹ thuật được tạo nên từ sắt thành phẩm với đặc tính là cứng cáp, độ bền cao, đồng thời tính thẩm mỹ cao.
Tuy nhiên, tromg quá trình làm cổng, chủ nhà cần phải giám sát được chất lượng của sắt để xem liệu sắt đó là sắt thành phẩm hay sắt tái chế. Những tạp chất trong sắt tái chế sẽ khiến cho cánh cổng dễ bị oxy hóa dẫn đến hoen gỉ hơn.
1.2. Phương pháp gia công nhôm đúc và sắt mỹ thuật
Từ vật liệu khác nhau, kéo theo phương pháp gia công của hai loại cổng trên cũng khác nhau.
Nhôm đúc sử dụng phương pháp đúc chân không hoặc đúc khuôn cát với hai loại chính là đúc nhôm nguyên khối và đúc nhôm ghép.
Để có khuôn đúc nhôm, người ta phải dùng công nghệ cắt CNC để tạo ra phần khuôn với những chi tiết, hoa văn như ý muốn.
Sau đó, người ta nấu nhôm hợp kim nóng chảy và đổ vào khuôn, tùy vào thể tích nồi nấu nhôm lớn hay nhỏ mà phải đổ nhiều lần vào khuôn cho tới lúc đầy.
Sắt mỹ thuật lại được tạo nên từ phương pháp uốn dẻo sắt nung nóng bằng máy uốn chuyên dụng hiện đại.
Hoặc cũng có thể dùng phương pháp cắt sắt CNC, cắt laser hoặc cắt plasma để tạo hình cho cánh cổng sắt nguyên khối vô cùng sáng tạo. Từ đó, mới thấy công đoạn để chế tạo sắt nghệ thuật đơn giản và nhanh hơn nhiều so với đúc nhôm.
1.3. Đặc điểm hình thái của nhôm đúc và sắt mỹ thuật
Nhôm đúc rất dễ tạo hình bởi vật liệu nhôm rất mềm, dẻo và nhiệt độ nóng chảy thấp. Thế nhưng đa phần các sản phẩm nhôm đúc thường không có tính nghệ thuật cao.
Ngược lại, sắt mỹ thuật lại mang tính nghệ thuật rất phong phú cho dù vật liệu sắt khó gia công hơn nhôm bởi nó cứng hơn và nhiệt độ nóng chảy cao hơn. Thế nhưng khi cho ra thành phẩm thì cổng sắt sẽ đạt được cả hai tiêu chí vừa cứng chắc lại vừa có tính thẩm mỹ cao.
1.4. Chi phí thi công nhôm đúc và sắt mỹ thuật
Thực tế cho thấy chi phí thi công cổng nhôm đúc đắt gấp ba lần so với chi phí thi công cổng sắt nghệ thuật. Việc giá cổng sắt rẻ hơn đến từ hai nguyên nhân đó là: giá vật liệu rẻ hơn và giá gia công cũng rẻ hơn.
Cũng bởi vì thế mà cổng nhôm đúc thường được những người chủ biệt thự lựa chọn bởi vì họ có thể chịu được chi phí cao như vậy cho một cánh cổng. Cổng nhôm đúc nhẹ nhàng và dễ tạo hình theo mong muốn và sở thích cá nhân hơn.
Còn cổng sắt nghệ thuật được đánh giá là sản phẩm “ngon bổ rẻ”, do đó, nó được sử dụng bình dân đại trà hơn từ công trình lớn cho tới công trình nhỏ. Cổng sắt nặng hơn nhưng phát huy tốt chức năng bảo vệ và cũng có tuổi thọ rất cao, bền đẹp với thời gian.
2. Tìm hiểu thêm về hoa văn sắt mỹ thuật
Sắt mỹ thuật xét về nghệ thuật gia công sản xuất thường chỉ làm các loại chính sau:
2.1. Hoa sắt đúc mỹ thuật
– Đây là loại hoa sắt đã được sử dụng khá nhiều từ trước đến nay. Trước đây thì loại này được dùng cho các chi tiết nhỏ với độ tinh xảo chưa cao nhưng hiện nay thì loại sắt này còn được dùng cả cho những mảng miếng lớn với độ tinh xảo cao hơn rất nhiều nhờ các khuôn đúc được là khá chi tiết tỉ mỉ, cùng với sự kết hợp của kỹ thuật cao.
– Sắt đúc được thực hiện theo các bản vẽ có sẵn đặt hàng từ trước hay những chi tiết hoa văn được sản xuất hàng loạt cung cấp, bán buôn cho các cơ sở làm về cơ khí. Hoa sắt đúc được sản xuất bằng cách nung nóng, làm tan chảy các quặng sắt hoặc sắt thành phẩm rồi đổ vào các khuôn đúc được định hình sẵn từ trước.
2.2. Hoa sắt uốn mỹ thuật
– Ngược lại với sắt đúc, sắt uốn nghệ thuật ngày nay với sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại làm tăng năng xuất, giảm giá thanh, các chi tiết hoa văn đều nhau. Loại hoa sắt này khá được ưa chuộng bởi kiểu dáng cũng như độ bền của sắt.
– Sắt uốn được sản xuất bằng cách, làm nóng sắt thương phẩm đến một nhiệt độ nhất định để có được độ mềm dẻo có thể uốn được một cách dễ dàng bằng máy móc và người thợ có tay nghề cao.
2.3. Hoa sắt kết hợp sắt uốn và sắt đúc
Sự kết hợp của hai loại sắt trên sẽ cho ta những sản phẩm nghệ thuật thực sự, vừa kết hợp được ưu điểm của sắt đúc và sắt uốn, vừa khắc phục những nhược điểm riêng của từng loại vì vậy mà loại sắt này khá được ưa chuộng đặc biệt là với các công trình lớn.
2.4. Hoa sắt uốn thủ công mỹ nghệ
Loại sắt này hoàn toàn khác biệt với các loại sắt trên bởi sắt này được làm hoàn toàn thủ công từ bàn tay của người thợ rèn, không sử dụng bất kỳ một công cụ, máy móc hiện đại nào. Hiện tại, còn rất ít các đơn vị thi công loại sắt này bởi chi phí khá cao và đồng thời sắt rèn thủ công phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ năng của người thợ rèn nên sản phẩm là ra không nhiều và không đều.
Trên đây là những điểm khác nhau giữa cổng nhôm đúc và cổng sắt nghệ thuật, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về hai loại cổng này. Từ đó đưa ra sự lựa chọn hợp lý giữa cổng nhôm đúc và cổng sắt nghệ thuật sao cho phù hợp nhất với công trình nhà ở của mình.